Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Ứng xử Sư phạm số 32: CHO HAY KHÔNG CHO?


Ứng xử Sư phạm số 32: CHO HAY KHÔNG CHO?
Đây là trường hợp xảy ra với tôi trong năm học vừa qua. Chỉ còn vài ngày nữa là thi vào lớp 10, mẹ của một học sinh cá biệt (em ấy thường bỏ giờ phụ đạo ôn thi để chơi game; khi có mặt trong lớp thì nói chuyện, quậy phá, không chép bài; tiền phụ đạo theo quy định nhà trường thì không nộp đồng nào, lại hay cãi bướng với thầy cô...) đến xin tôi bài dạy ôn thi môn Ngữ văn cho con mình.

Tôi hỏi sao cháu không trực tiếp đến xin. Phụ huynh nói cháu sợ. Tôi hỏi thêm sao cháu không mượn của bạn. Phụ huynh trả lời có mượn của bạn song có bạn thì chép không đầy đủ, có bạn không cho vì sợ cháu bỏ mất. Nghe vậy tôi không biết làm sao, nếu cho thì mình trở thành dễ dãi quá, vô tình tạo tiền lệ để học sinh coi thường, nếu không cho thì trở thành kẻ ích kỷ, nhẫn tâm, người ta đã vì con mà tới tận nhà... (Nguyễn Văn TúTHCS Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng)

I. Trước tình huống này, thầy giáo Ngữ văn có ít nhất 3 ứng xử:
1. Cho luôn một bản photo bài giảng (giáo án) rồi nói với phụ huynh dặn con mình không cho ai biết việc này, và nhân tiện giúp nhà trường thu học phí phụ đạo.
2. Không cho bài giảng (giáo án) dù chỉ là bản photo. Xin lỗi vị phụ huynh và nói rõ bài soạn phải qua giảng dạy mới thành bài học, đồng thời hứa dành một buổi lên lớp miễn phí cho riêng học sinh cá biệt này.
3. Không cho bài giảng nhưng vui vẻ cho mượn những tài liệu liên quan tới nội dung thi, đã thành sách có trên thị trường, cùng lời nhắc nhở, chỉ học văn chưa đủ, phải tranh thủ học toán nữa!
Bạn chọn ứng xử nào? Và tại sao không chọn những ứng xử còn lại?
II. Mời bạn đưa ra ứng xử của riêng mình, nếu có!
Hãy gửi bài dự thi về TGM 322 Điện Biên Phủ Q.10 hoặc ungxutgm@gmail.com cùng tham gia ỨNG XỬ SƯ PHẠM để nhận các giải thưởng.
KẾT QUẢ ỨNG XỬ SƯ PHẠM TGM số 28 - Từ cuốn tập bị xé đôi
I. Đa số chọn ứng xử 2: Người bà chớp cơ hội giáo dục: “Má con lỡ tay! Bà cháu mình ngồi dán lại, rồi cùng tập viết thật đẹp”.
1. Giải Ứng xử đẹp (tặng người đầu tiên, chọn đúng ứng xử mà số đông lựa chọn) thuộc về bạn đọcHoàng Trọng Quýthôn Đanh, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội.
2. Giải Phân tích sắc bén (tặng người bênh vực có lý có tình ứng xử mà số đông lựa chọn) thuộc về bạn đọc Phạm Thị Phơi giáo viên Trường Mẫu giáo Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An:
Là một nhà giáo lâu năm - người có kinh nghiệm sư phạm dày dặn như bà giáo hưu trí kia thì bà sẽ sử dụng ngay cách ứng xử 2. Cách ứng xử này hài hòa, hợp tình hợp lý: vừa xoa dịu và bảo vệ danh dự, uy tín cho mẹ của đứa bé, vừa động viên an ủi, xoa dịu vết thương lòng của đứa cháu, đồng thời nhắc nhở khéo nàng dâu của bà trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Bà không thể chọn cách ứng xử 1 “Hòa hoãn con, cháu bằng cách đưa ngay cháu nội ra phố, mua cho nó một cuốn tập viết mới tinh” bởi cách giáo dục này không hay, tỏ ra hợm hĩnh kiểu trọc phú. Cách này không phát huy được tác dụng giáo dục con trẻ, làm cho chúng ỷ lại. Lại như khuyến khích đứa nhỏ không kính nể cha mẹ, vì thế bỏ qua cơ hội “chỉnh sửa” con dâu. Còn cách ứng xử 3 “Tranh thủ lên lớp con dâu: “Con thô bạo thế là sai rồi, nên xin lỗi thằng nhỏ” thì bà giáo tuyệt nhiên sẽ không sử dụng đến. Không một nhà giáo nào “hạ nhục” mẹ trước mặt con! Ứng xử này phản giáo dục, thiếu tế nhị, có nguy cơ làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét